Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam, kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và một vùng áp thấp ở vào khoảng 5 – 7 độ vĩ Bắc, 108 – 109 độ kinh Đông, tại Ninh Thuận, từ 07giờ ngày 30/10 đến 12giờ ngày 01/11/2010 đã có mưa to đến rất to, lượng mưa các khu vực trong tỉnh phổ biến từ 300 đến 450mm, cá biệt lượng mưa tại Phan Rang lên đến 700mm. Tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nhiều con đường đã ngập lên đến gần 1m nước, nhiều nhà cửa bị ngập hoàn toàn chỉ còn thấy mái nhà chơi vơi giữa mênh mông biển nước. Trên sông Cái Phan Rang, mực nước lên nhanh từng giờ một. Các tuyến đường giao thông Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, liên xã ngập sâu từ 0,1-0,5m và nhiều tuyến đường bị chia cắt. Công an tỉnh Ninh Thuận đã cấm các phương tiện giao thông đi lại qua đường tránh cầu Ngòi trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, do nước lũ dâng cao tràn qua đường. Tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn km 1416+700 đến km 1418+200 đi qua thôn Phú Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước bị ngập nặng, nhiều nơi bị sạt lở.
Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn Bệnh viện GTVT Tháp Chàm đã khẩn trương triển khai các biện pháp đề phòng lũ lớn, chủ động liên lạc với y tế các đơn vị GTVT trong khu vực quản lý để phối hợp khi cần thiết.
|
Công nhân đường sắt được huy động sửa chữa đường ray ở Ninh Phước trong đêm - Ảnh: Lê Trường |
Sáng ngày 01/11/2010, do vị thế bệnh viện nằm bên đường dốc, nước từ mặt đường đổ vào sân trước bệnh viện ồ ạt ứ động lượng lớn lại tường phía bắc. Đến khoảng 7giờ00, lực nước quá mạnh đã phá sập một đoạn tường dài gần 30m để thoát. Nước thoát đã gây ngập đột ngột lên 50cm dãy nhà khu tập thể phía bắc bệnh viện. Ngày 01/11/2010, có 9 cán bộ, viên chức bệnh viện không đến được cơ quan do nhà ngập hoặc tắc đường. Rất may là không có thiệt hại về người và của.
|
Đoạn tường phía bắc Bệnh viện bị đổ sáng 01/11/2010 |
Ngay sau khi lũ bắt đầu rút, Lãnh đạo bệnh viện đã nắm lại tình hình thiệt hại và đến các đơn vị GTVT trong địa bàn quản lý, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình ngập úng có nguy cơ gây dịch.
Bệnh viện đã phối hợp với chính quyền và y tế địa phương đi phun thuốc cloramin B ở vùng ngập úng, triển khai đoàn phun thuốc tại các ga có chuyển tải khách như Tháp Chàm, Cà Ná, Hòa Trinh. Tổng diện tích phun ước tính gần 100.000m2
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí hoạt động nên Bệnh viện chưa trang bị áo phao, phao cứu hộ, đèn pin, áo mưa... cho tổ trực chiến nên trong mưa lũ chưa chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị GTVT trung ương đóng trên địa bàn. Bệnh viện đã có văn bản báo cáo với Ban chỉ đạo PCBL-TKCN Cục Y tế GTVT để xin hỗ trợ kinh phí sửa chữa và trang bị phương tiện phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét