Chính xác: cẩn trọng trong từng việc, từ chẩn đoán đến xử trí; không nhận định hồ đồ theo cảm tính; làm các thủ thuật nhanh chóng nhưng chuẩn xác, không làm thêm các động tác thừa để việc hồi sức cấp cứu có hiệu quả.
Quyết đoán: tự tin trong chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp; không để bị phân tâm khi nghe lời bàn tán của người khác, không chìu theo ý của người nhà.
Tận tụy, có trách nhiệm: không đùn đẩy bệnh nhân vì sợ trách nhiệm; phải cảm thông với nỗi quan tâm lo lắng của bệnh nhân và người nhà; chỉ chuyển bệnh nhân khi đã cấp cứu qua khỏi cơn nguy kịch.
Kiến thức: Việc sơ cứu là rất cần thiết, vì chỉ cần chậm một vài phút thậm chí vài giây có thể tình trạng bệnh nhân còn nguy kịch hơn mà dù có hồi sức cấp cứu chuyên sâu cũng không thể cứu vãng nổi. Vì vậy các nhân viên y tế phải luôn tự cố gắng ôn luyện các kiến thức đã được đào tạo, không ngừng tìm tòi học hỏi qua sách báo, đồng nghiệp để tự nâng cao trình độ, để tự tin và vững chãi hơn khi cấp cứu.
CÁC BƯỚC CĂN BẢN CỦA THẦY THUỐC TRONG HỒI SỨC CẤP CỨU
1. Kiểm tra các chức năng sống của bệnh nhân.
· Chức năng hô hấp.
· Chức năng tuần hoàn.
· Chức năng thần kinh và tâm thần.
· Chức năng thận.
2. Tìm kiếm (hỏi bệnh và thăm khám) và đánh giá các chức năng sống của bệnh nhân.
3. Sơ cứu ngay: là việc làm tối thiểu trước khi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
* Trình tự
· Hồi sức hô hấp là bước cơ bản nhất trong cấp cứu, bao gồm
° Khai thông đường dẫn khí, hút đàm dãi,
° Hô hấp nhân tạo bằng tay hoặc dụng cụ.
· Hồi sức tuần hoàn.
· Giải quyết các hậu quả khác do tai nạn hoặc do bệnh tật gây ra.
* Mục đích
· Duy trì hoặc tạm thời thay thế các chức năng sống bị tổn thương hoặc bị hạn chế bởi các tư thế không tốt cho tình trạng bệnh.
· Mau chóng hạn chế hoặc làm ngừng sự phát triển của bệnh tật hoặc tai nạn.
· Hạn chế, giảm bớt sự đau đớn cho bệnh nhân và ngừa biến chứng sốc.
4. Đề ra kế hoạch cấp cứu và hồi sức tiếp theo.
5. Theo dõi tình trạng bệnh nhân và phòng ngừa các biến chứng.
· Theo dõi các chức năng sống: mạch, huyết áp, điện tim, nước tiểu, CVP, nhịp thở và thông khí, nguồn oxy, tình trạng tỉnh táo, lượng nước xuất - nhập...
· Cân bằng nước - điện giải, thăng bằng kiềm toan.
· Chăm sóc dinh dưỡng, chống loét.
CÁC BƯỚC CĂN BẢN CỦA ĐIỀU DƯỠNG TRONG HỒI SỨC CẤP CỨU KHI CHƯA CÓ THẦY THUỐC
1. Kiểm tra bệnh nhân: kiểm tra theo phương pháp hồi sức ABC: Airway - Breathing - Circulation. (xem thêm bài Ngừng Hô hấp - Tuần hoàn).
* Kiểm tra chức năng hô hấp: khi nạn nhân bất tỉnh, các cơ ở miệng không còn được kiểm soát, trong tư thế nằm ngửa, lưỡi sẽ chùn về phía sau và làm nghẽn đường dẫn khí. Động tác nâng cằm và ngửa đầu ra phía sau sẽ nâng lưỡi khỏi đường thông khí.
· Nếu có dị vật đường thơ (nói khó, khó thở, xanh tái, bệnh nhân ôm lấy cổ) thì làm ngay nghiệm pháp Heimlich (ép bụng, đấm lưng để làm bật dị vật ra).
· Khai thông khí đạo:
+ Lấy dị vật làm nghẽn ra khỏi miệng.
+ Đặt hai ngón tay dưới cằm bệnh nhân và nâng hàm lên, đồng thời đặt bàn tay kia lên trán bệnh nhân và đưa đầu bệnh nhân ra sau.
+ Nếu nghi ngờ có tổn thương đầu cổ thì giữ ngửa đầu chỉ đủ để khai thông khí đạo.
· Kiểm tra hơi thở:
+ Áp sát mặt vào miệng bệnh nhân, quan sát, nghe và cảm nhận hơi thở.
+ Quan sát các cử động lồng ngực.
· Thông khí nhân tạo: hô hấp nhân tạo, bóp bóng, hút đàm dãi, đặt nội khí quản...
* Kiểm tra chức năng tuần hoàn:
· Kiểm tra mạch đập: sờ động mạch chủ
+ Để đầu bệnh nhân ngửa ra sau, dùng hai ngón tay sờ bắt động mạch chủ.
+ Bắt trong năm giây trước khi quyết định là mạch không còn đập nữa.
· Kiểm tra mạch, huyết áp, nước tiểu.
* Kiểm tra tình trạng tỉnh táo: xem bệnh nhân có tỉnh táo không.
2. Xử trí bước đầu
Tình trạng bệnh nhân | Hành động |
Bất tỉnh, không thở được và/hoặc mạch không đập | Báo ngay thầy thuốc Hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. |
Bất tỉnh, còn thở được, tim còn đập | Để bệnh nhân ở tư thế an toàn Báo thầy thuốc. |
Tỉnh táo, thở được, mạch đập | Kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ, và các đánh giá khác (xem cụ thể trong từng bài) |
CÁC TƯ THẾ AN TOÀN CHO BỆNH NHÂN CẤP CỨU
1. Tư thế nằm ngửa ưỡn cổ:
· Chỉ định: Bệnh nhân hôn mê, cấp cứu ngừng hô hấp - tuần hoàn.
· Tiến hành: Bệnh nhân nằm ngửa ưỡn cổ, móc hết đàm dãi và dị vật. Một tay đẩy hàm dưới ra trước (lên trên), tay kia đặt lên trán đẩy đầu ra sau để cổ ưỡn hết cỡ.
2. Tư thế nằm ngửa thẳng đầu:
· Chỉ định: nghi ngờ bệnh nhân có chấn thương cột sống.
· Tiến hành: Bệnh nhân nằm ngửa đầu thẳng, không ưỡn cổ, trục đầu trùng với trục thân cùng đặt trên mặt phẳng ngang. Một người ở phía đầu bệnh nhân cầm đầu kéo về phía mình cho đầu và thân thật thẳng mà không ưỡn cổ. Nếu có đệm chân không thì cố định ở tư thế này.
3.Tư thế nằm ngửa thấp đầu:
· Chỉ định: Bệnh nhân chảy máu, sốc.
· Tiến hành: Bệnh nhân nằm ngửa, ưỡn cổ hay không tùy trường hợp, kê cao chân bệnh nhân hoặc chân cáng/giường.
4.Tư thế nằm nghiêng an toàn:
· Chỉ định: bảo đảm cho đường hô hấp trên của bệnh nhân hôn mê được thông suốt và không bị nguy cơ hít phải dịch vị và thức ăn khi đột nhiên bệnh nhân nôn ra.
· Tiến hành:
+ Khai thông đường dẫn khí, hút sạch đàm dãi.
+ Kéo thẳng chân bệnh nhân ra. Đặt tay của bệnh nhân ở phía người cấp cứu gấp một góc 90o so với người bệnh nhân, khuỷu tay cong và lòng bàn tay hướng lên.
+ Đặt tay còn lại của bệnh nhân ngang ngực, giữ tay và lòng bàn tay hướng ra ngoài tiếp xúc với má của bệnh nhân.
+ Người cấp cứu dùng tay kia nắm lấy đùi xa của bệnh nhân, nâng gối lên nhưng vẫn giữ bàn chân bệnh nhân sát mặt giường (mặt cáng).
+ Kéo đùi và xoay bệnh nhân về phía người cấp cứu. Người cấp cứu dùng gối mình để chặn không cho bệnh nhân lật úp tới trước. Trong khi xoay, giữ tay bệnh nhân áp sát má để bảo vệ đầu và mặt bệnh nhân.
+ Để đầu bệnh nhân hơi ưỡn, đặt lên gối mỏng, đầu hướng xuống dưới. Có thể đẩy vai trên bệnh nhân hơi úp xuống.
* Nếu có hai người cấp cứu
+ Người thứ 1: áp sát tay vào hai bên tai bệnh nhân để giữa cho đầu cố định.
+ Người thứ 2: kéo tay phía gần của bệnh nhân vuông một góc 90o so với thân người, khuỷu gập, lòng bàn tay ngửa. Nắm lấy đùi xa của nạn nhân, nâng gối lên rồi nắm tay kia của bệnh nhân để gập cánh tay bên đó ngang trước ngực.
+ Phối hợp: khi người thứ 2 kéo bệnh nhân xoay về phía mình thì người thứ 1 phải giữ cho đầu và cổ bệnh nhân luôn ở giữa.
· Lựa chọn hướng nghiêng:
+ Tổn thương lồng ngực và chi dưới: nghiêng về phía tổn thương.
+ Tổn thương chi trên: nghiêng về phía chi lành.
5.Tư thế nửa ngồi, nửa nằm (tư thế Fowler):
· Chỉ định: Bệnh nhân suy tim, khó thở hoặc có suy hô hấp cấp do chấn thương, vết thương lồng ngực hoặc do một bệnh phổi cấp tính .
· Tiến hành: cho bệnh nhân duỗi thẳng chân hoặc hơi co. Có thể kê gối to dưới hai gối. Lưng bệnh nhân dựa vào một gối hay nhiều gối để tạo thành một góc 45o so với mặt phẳng ngang. Nếu có giường chuyên dụng thì nâng giường cho bệnh nhân nằm một góc như ý.
6.Tư thế nằm sấp, đầu nghiêng về một bên:
· Chỉ định: Bệnh nhân hôn mê đang có nôn và sặc, cần dẫn lưu trong khi vận chuyển hoặc sau khi rửa phế quản.
· Tiến hành: Khai thông đường dẫn khí và hút đàm dãi; đặt bệnh nhân nằm sấp nghiêng đầu về một bên. Hai tay bệnh nhân để cùng bên nghiêng đầu; chêm gối dưới bụng đùi để bệnh nhân không bị ép ngực khi thở.
CÁC ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG CẦN CHÚ Ý
1. Đánh giá sơ bộ CVP trong trường hợp không đo được CVP bằng catheter tĩnh mạch trung tâm:
- Cho bệnh nhân nằm thẳng, theo dõi tĩnh mạch cảnh:
· Tĩnh mạch cảnh xẹp: CVP thấp, thường kèm theo HA thấp
· Tĩnh mạch cảnh nổi: CVP tăng. Tăng dần lưng bệnh nhân lên cho đến khi tĩnh mạch cảnh xẹp. Khoảng cách giữa hai tư thế là CVP (tính từ điểm 0 ở đường nách giữa ngang với liên sườn II).
2. Đánh giá lượng dịch truyền đã đủ chưa: cho bệnh nhân ngồi dậy khoảng 10 phút, nếu huyết áp tụt xuống thì đó là chưa bồi hoàn đủ thể tích máu.
3. Đánh giá độ hôn mê: dựa theo thang điểm Glasgow
· MỞ MẮT Điểm
- Tự nhiên, linh hoạt ............................................................................ 4
- Khi lay gọi ......................................................................................... 3
- Khi kích thích đau ............................................................................. 2
- Không đáp ứng ................................................................................. 1
· LỜI NÓI
- Rõ ràng, chính xác ............................................................................ 5
- Lẫn lộn, lú lẫn ................................................................................... 4
- Nói nhảm .......................................................................................... 3
- Nói vô nghĩa ..................................................................................... 2
- Không đáp ứng ................................................................................. 1
· ĐÁP ỨNG VẬN ĐỘNG
- Thực hiện đúng y lệnh ....................................................................... 6
- Kích thích đau đáp ứng đúng ........................................................... 5
- Kích thích đau đáp ứng không chính xác ......................................... 4
- Chi trên co lại khi kích thích đau (gồng cứng mất vỏ) ..................... 3
- Duỗi cứng tứ chi khi kích thích đau (duỗi cứng mất não) ................ 2
- Không đáp ứng ................................................................................. 1
Þ Bình thường Glasgow ³ 13-15, đánh giá là hôn mê khi Glasgow £ 7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét