Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

10 sự kiện y tế Việt Nam đáng nhớ trong năm 2010 Laodong.com.vn bình chọn.

1. Cứu sống bệnh nhi nặng 700g trong tình trạng nguy kịch

Tháng cuối cùng của năm 2010, ngành y học nước nhà đã làm nên “kỳ tích” cứu sống bệnh nhi sơ sinh nhỏ nhất, nhẹ nhất từ trước đến nay. Đó là bé Hoàng Thị Mận chào đời với cân nặng chưa đầy 700gr, đẻ non 28 tuần thai (bình thường 38 đến 42 tuần thai).
Các bác sĩ BV Bạch Mai tổ chức buổi lễ tiễn bé Mận ra viện.
Các bác sĩ BV Bạch Mai tổ chức buổi lễ tiễn bé Mận ra viện.
Mẹ của bé là chị Hoàng Thị Nguyệt (Nghi Lộc, Nghệ An) đã tử vong do bị shock nhiễm khuẩn huyết nặng. Bé được nhập viện trong tình trạng rốn vừa cắt, toàn thân chưa được vệ sinh, vẫn còn nguyên những vết máu tươi của dịch ối và dây rốn, toàn thân tím tái do thiếu oxy lâu, SPO2 không đo được, không có phản xạ sơ sinh và trương lực cơ, không khóc, không tự thở. Dấu hiệu sinh tồn duy nhất tại thời điểm nhập viện là nhịp tim rời rạc, 50 – 60 lần/phút.
Sau hơn 3 tháng được điều trị, chăm sóc tích cực tại BV Bạch Mai, trọng lượng bé Hoàng Thị Mận đã đạt 3.100gram, các chỉ số đánh giá sự phát triển trong giới hạn bình thường và được trở về nhà trong niềm hạnh phúc của gia đình.

2. Ca ghép tim đầu tiên từ người chết não

Anh Bùi Văn Nam, bệnh nhân đầu tiên được ghép tim từ người chết não. Đây là thành quả sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị của Viện Quân y và BV 103 và là bước ngoặt trong ngành y tế VN, đánh dấu VN đã làm chủ trong kỹ thuật ghép tim. Quả tim được ghép là của một bệnh nhân chết não.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân được ghép tim thành công
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân được ghép tim thành công
Hiện nay, nước ta vẫn còn rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu được ghép tim nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vận động gia đình có người thân bị chết não đồng ý hiến tim vì mục đích y học vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

3. Quỹ bảo hiểm y tế kết dư tới 3.500 tỷ đồng
Sau bốn năm liên tục quỹ BHYT bị bội chi, thậm chí năm 2009 đã âm đến 3.083 tỉ đồng, thì năm 2010 quỹ BHYT đã có dư 3.500 tỷ đồng.
Sau nhiều năm bội chi, Quỹ BHYT đã kết dư hơn 3 nghìn tỷ đồng
Sau nhiều năm bội chi, Quỹ BHYT đã kết dư hơn 3 nghìn tỷ đồng
Cùng với việc giữ ổn định được Quỹ BHYT, năm 2010, người dân tham gia BHYT đã được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Gần 107 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế đã được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lên tới 19.321 tỷ đồng. BHYT không chỉ phủ rộng tới vùng sâu, vùng xa mà người bệnh có thẻ BHYT sử dụng các kỹ thuật cao, chi phí lớn, khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến cũng được Quỹ BHYT chi trả…

4. Phẫu thuật thành công ca ghép gan thứ hai trên người trưởng thành

Ca ghép gan thứ 2 trên người trưởng thành đã được các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện thành công sau gần 13 giờ phẫu thuật ngày 15.12. Bệnh nhân bị xơ hóa gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cao
Ca ghép gan thứ 2 trên người lớn đã thực hiện thành công
Ca ghép gan thứ 2 trên người lớn đã thực hiện thành công
Theo TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, việc cắt và ghép gan ở người lớn phức tạp và nhiều rủi ro hơn so với trẻ em, bởi sẽ phải lấy ít nhất một nửa gan của người hiến, trong khi đó trẻ em chỉ lấy khoảng 1/3. Vì thế, ghép gan cho người trưởng thành đòi hỏi tay nghề cao của các phẫu thuật viên.
Trước đó, ca ghép gan đầu tiên trên người lớn đã được thực hiện thành công tại BV Việt Đức cuối năm 2008.

5. “Siêu vi khuẩn” kháng thuốc đã có mặt ở Việt Nam

Một loại siêu vi khuẩn có tên NDM-1 có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
Siêu vi khuẩn kháng thuốc NDM-1 xuất hiện tại VN
Siêu vi khuẩn kháng thuốc NDM-1 xuất hiện tại VN
Tại VN, hiện cũng ghi nhận không chỉ một mà vài loại 'siêu vi khuẩn' kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, tương tự với loại vi khuẩn tiết ra enzym NDM-1 được phát hiện tại Anh.
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại “siêu vi khuẩn” đa kháng thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần sự kê đơn của bác sĩ.

6. Việt Nam đã khống chế được đại dịch HIV/AIDS
VN trải qua 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS
VN trải qua 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS
Năm 2010 đánh dấu mốc 20 năm VN đương đầu với đại dịch thế kỷ. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP.HCM, tính đến ngày 30.9.2010 cả nước có 180.312 người nhiễm HIV. Về cơ bản, VN đã khống chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới mức 0,3% trong cộng đồng dân cư. Dịch HIV/AIDS ở nước ta được đánh giá đang trong giai đoạn tập trung với tỷ lệ nhiễm cao nhất được phát hiện trong các nhóm người tiêm chích ma túy (18,4%), phụ nữ bán dâm (3,2%). Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ thấp như thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự và phụ nữ mang thai có xu hướng chững lại và ở mức thấp, tương ứng 0,5% và 0,32%.
Công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được mở rộng, nhiều người sử dụng ma túy đã có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, sử dụng bao cao su…

7. Cán cân giới tính mất cân bằng nghiêm trọng
Tỷ số giới tính khi sinh ở VN đã vọt lên mức báo động 111 bé trai/100 bé gái. Tại một số địa phương tỉ lệ này lên tới mức cực kỳ báo động là 120-135 bé trai/100 bé gái. Nếu không kiểm soát được sự chênh lệch giới tính này thì không bao lâu nữa, VN sẽ thừa đàn ông và kéo theo những hệ lụy nặng nề như vấn nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ, vấn đề nguồn nhân lực, ép kết hôn sớm, kết hôn cận huyết…. dẫn đến suy giảm giống nòi.
20 năm nữa VN có nguy cơ phải “nhập khẩu” cô dâu
20 năm nữa VN có nguy cơ phải “nhập khẩu” cô dâu
Đây cũng là năm đầu tiên VN thực hiện tháng hàng động quốc gia về dân số nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

8. Thực phẩm “bẩn” ngày một nhiều

Cam tẩm hóa chất chống thối, gia vị lẩu chứa chất gây ung thư, mực xé khô chứa chất xenlulo…. Có thể nói chưa khi nào vấn đề chất lượng thực phẩm lại được dư luận quan tâm như năm nay khi mà tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng diễn ra nhiều hơn với sự gia tăng về quy mô số vụ ngộ độc.
Thực phẩm “bẩn” vẫn chưa được kiểm soát tốt
Thực phẩm “bẩn” vẫn chưa được kiểm soát tốt
Theo thống kê của cục ATVSTP có tới 60% số vụ ngộ độc xảy ra ngay tại gia đình do ý thức người dân quá kém. Hầu hết các dụng cụ chế biến thực phẩm tại các cơ sở được kiểm tra đều mất vệ sinh và có nguy cơ truyền bệnh cao. Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập 12 đoàn thanh kiểm tra trên phạm vị cả nước để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hạn chế tới mức thấp nhất số vụ ngộ độc xảy ra.

9. Hai hãng thuốc ngoại đồng ‎ý giảm giá thuốc bán vào VN

Khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng tại VN cho thấy, giá thuốc tại VN cao gấp từ 5 - 40 lần so với thế giới.
Việc tăng giá thuốc chữa bệnh trên thị trường, mặc dù theo quy định phải được phép của các cơ quan chức năng song các hãng dược, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc tây vẫn tùy tiện tăng giá. Đầu tháng 12 Bộ Y tế đã nhận tới 1.600 hồ sơ của các doanh nghiệp xin kê khai, kê khai lại giá thuốc theo hướng điều chỉnh tăng giá thuốc. Trước vấn đề này, Bộ Y tế đã ra lời “kêu gọi” các doanh nghiệp giảm giá thuốc và không tăng giá đến hết năm 2010. Ngay sau đó đã có 2 hãng dược nước ngoài đồng ‎ý giảm giá thuốc.
Giá thuốc chữa bệnh ở VN đã khiến nhiều người bệnh “chóng mặt”
Giá thuốc chữa bệnh ở VN đã khiến nhiều người bệnh “chóng mặt”
Để bình ổn giá thuốc, hiện mới chỉ có 3 Cty dược nhà nước tham gia kế hoạch dữ trự lưu thông thuốc với khoảng từ 3.000 - 3.500 mặt hàng thuốc dự trữ.
Bộ Y tế sẽ dùng số tiền dự trữ lưu thông thuốc 330 tỷ đồng mua những loại thuốc độc quyền, thuốc đặc trị với giá hiện hành và bán ra thị trường bình ổn giá thuốc và phục vụ nhu cầu của nhân dân.

10. Nhiều uẩn khúc chưa được sáng tỏ trong vụ “bê bối” thuốc Tamiflu

Có lẽ đây là vụ “bê bối” tai tiếng nhất ngành y tế năm 2010. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ cuối năm 2003 đến cuối năm 2005 có 91 người mắc H5N1 ở 32 tỉnh thành, nhưng năm 2006 Bộ Y tế đã đề xuất phải dự trữ 20 triệu viên Tamiflu. Để mua được số thuốc trên, hãng Roche thông báo sẽ bán nguyên liệu cho VN vào tháng 8.2006, với giá ưu đãi, hạn dùng 10 năm, nhưng Bộ Y tế lại mua nguyên liệu của Ấn Độ giá cao hơn mà hạn dùng chỉ 3 năm.
10 triệu viên thuốc Tamiflu phải đổ bỏ, lãng phí hàng trăm tỉ đồng.
10 triệu viên thuốc Tamiflu phải đổ bỏ, lãng phí hàng trăm tỉ đồng.
Cũng theo kết luận Thanh tra Chính phủ, ngân sách Nhà nước đã chi hơn 562 tỷ đồng để 4 Cty sản xuất gần 20 triệu viên thuốc, thế nhưng hơn một nửa số thuốc này bị... “ế” và đã hết hạn sử dụng.
Cho đến nay, vụ “bê bối” này vẫn còn “nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ”.
Laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate

Bài đăng Phổ biến