Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Viêm Xương Khớp
Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức



"Nắng mưa là chuyện của trời
Đau xương, nhức khớp, chuyện người tuổi cao."




Ở người cao tuổi, Viêm Xương Khớp là loại bệnh rất thường thấy nhất là mỗi khi thời tiết đổi thay. Các cụ thường thấy đau ở những khớp gần đầu ngón tay, xương sống, đầu gối, hông và cổ tay, do sự thoái hóa của xương và sụn. Lão nhân nam nữ đều có thể mắc bệnh như nhau. Đôi khi, nhiều vị cao tuổi bị viêm khớp mà không biết, cho tới khi tình cờ chụp phim quang tuyến thì thấy đã có bệnh từ mấy thập niên.


Ta cần phân biệt bệnh Viêm Xương Khớp ( Osteoarthritis) với bệnh Khớp Viêm Phong Thấp (Rheumatoid Arthritis ).

Bệnh sau này có ở bất cứ tuổi nào, thường gây tổn thương cho nhiều khớp, nhất là ở đốt cuối ngón tay, ngón chân, cổ tay, đầu gối. Đôi khi bệnh lan tới các cơ quan nội tạng như tim, thận, phổi, giây thần kinh và gây ra những triệu chứng tổng quát như nóng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, thiếu hồng huyết cầu, sụt cân cơ thể.


Cấu tạo khớp

 
Mỗi khớp có nhiều thành phần như bắp thịt, dây chằng, sụn, xương, gân . Tất cả hoạt động nhịp nhàng với nhau để giúp cơ thể thực hiện một chức năng rất quan trọng, đó là sự di chuyển của con người.

Dây chằng có nhiệm vụ neo xương với xương, giữ cho khớp được vững;

Gân nối xương với thịt và chuyển sức co của bắp thịt vào xương;

Sụn là lớp tế bào trong như thạch, rất bền dai, có thể ép và đàn hồi, không có mạch máu-giây thần kinh. Sụn có công dụng che trở đầu xương như lớp đệm tránh sự mài xát khi khớp cử động. Quan trọng như vậy mà sụn lại là những tế bào rất mỏng manh, khó nuôi cấy, dễ thoái hóa mà sự tái tạo sau khi chấn thương rất khó khăn.

Sụn chứa 75% nước. Khi khớp cử động, nước đó ra vào, thấm qua màng hoạt dịch để lấy chất bổ dưỡng nuôi sụn. Cho nên sụn sẽ bị suy yếu khi khớp bất động, không được dùng tới. Vì không có dây thần kinh nên sụn không có trách nhiệm gây đau trong bệnh viêm khớp.

Khớp nằm trong một cái túi mà tế bào mặt trong túi tiết ra một hoạt dịch lỏng nhờn như dầu để làm khớp trơn tru trườn lên nhau khi co ruổi, cử động. Hoạt dịch cũng là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng cho sụn vì sụn không có mạch máu.


Sự thoái hóa của khớp

Với tuổi đời chồng chất, chức năng cũng như cấu tạo của khớp đều có nhiều thay đổi, trở nên kém linh động.


Tế bào khớp thoái hóa. Gân và dây chằng phân đoạn, đóng vôi, khô cằn, trở nên kém bền bỉ, kém co giãn, không chịu đựng được với căng lực và dễ bị tổn thương. Sụn trở nên đục mầu, hóa xơ, khô nước, rạn nứt với nhiều tinh thể calcium làm khớp đau. Khớp co duỗi khó khăn vì màng hoạt dịch mỏng và khô dần.

Khi bị viêm, xương khớp có nhiều thay đổi như sự hóa xơ và gồ ghề của sụn, khả năng chất đệm kém đi, đầu xương cọ vào nhau rồi mọc gai gây đau, xương giảm khối lượng.

Mặc dù ta không biết rõ cơ chế gây ra viêm, nhưng sự hao mòn tả tơi hay thoái hóa do sử dụng khớp lâu năm được coi như là nguyên nhân chính. Vì thế những khớp chịu sức nặng của cơ thể như xương thắt lưng, hông, đầu gối thường hay bị bệnh. Sự thoái hóa này diễn ra từ từ trong khoảng thời gian khá lâu và trở nên rõ ràng khi về già.

Tuy thường xẩy ra ở người cao tuổi nhưng không phải người cao tuổi nào cũng mắc phải bệnh viêm này. Thanh thiếu niên được miễn; tuổi trung niên có nhưng rất hiếm; từ tuổi 50 trở lên thì bệnh tăng theo tuổi: 27% ở tuổi 60- 70; 45% vào tuổi 80.


Nguy cơ dễ bị bệnh gồm có béo mập, chấn thương khớp, tật bẩm sinh, bệnh về chuyển hóa, di truyền, xáo trộn của kích thích tố. Lúc trẻ tuổi, một lực sĩ liên tục bị chấn thương, dù nhẹ, ở khớp hoặc một người làm việc chân tay suốt ngày khuân vác nặng nhọc đều dễ bị viêm khớp khi tuổi cao.


Cũng xin nhắc qua về hiện tượng VIÊM (Inflammation)
Viêm là một đáp ứng bảo vệ của cơ thể với tổn thương gây ra do tác nhân sinh nhiễm, hóa chất hoặc tác nhân vật lý. Các mạch máu ở gần nơi tổn thương giãn nở, đưa nhiều máu tới vùng này. Bạch cầu vào mô tiết ra chất prostaglandins, leucotriene và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Trong diễn biến này, vùng mô bị tổn thương sưng to, nóng, đỏ và đau. Nếu viêm không được chữa lành thì sẽ trở nên viêm kinh niên.

Triệu chứng
Viêm xương khớp thường thấy nhiều nhất ở các khớp chịu sức nặng cơ thể: xương sống cổ, lưng, hông, đầu gối, rồi cuối ngón chân tay cái. Khớp đau, sưng, giảm cử động, co cứng là những dấu hiệu thường thấy.


Khớp cứng đờ mỗi sáng khi thức dậy hoặc sau một thời gian bất động và kéo dài cả nửa giờ đồng hồ. Nhưng khi ta ngâm tay trong nước ấm hay tập co tới co lui một lúc thì nó bớt cứng đi. Những thay đổi khác ở khớp như viêm màng dịch, viêm dây chằng, tiêu hao của sụn, co gián bắp thịt đều có thể gây đau.


Người cao tuổi mắc bệnh viêm khớp có thể bị những cơn đau bất thình lình hoặc khi thời tiết đổi thay, khí hậu lạnh, ẩm, đặc biệt là ở khớp đầu gối. Khớp đau âm ỉ, vừa phải thôi, nhưng gia tăng khi khớp cử động, giảm bớt khi không dùng. Ban đêm ngủ mà bị những cơn đau khớp hành hạ thì bệnh càng gia tăng mà lại dễ gây ra tâm trạng u buồn.


Sau một thời gian, các triệu chứng trên đưa tới mất chức năng của khớp, khiến người bệnh không thực hiện được những sinh hoạt thông thường như cài cúc áo, cột dây giầy, cầm lược chải đầu, cầm bút viết. Đứng lên ngồi xuống, bước ra khỏi xe, lên xuống cầu thang đều khó khăn, giới hạn.


Nhiều nghiên cứu cho hay có tới 12% người bệnh không hoàn tất được sinh hoạt hàng ngày và quá bán số người này nằm liệt giường hay suốt ngày ngồi trên xe lăn.


Quan sát cho thấy đàn ông thường bị giới hạn sử dụng thượng chi còn đàn bà hay bị ở hạ chi, nhưng khi tới tuổi trên 80 thì tứ chi đều bị ảnh hưởng như nhau.


Định bệnh căn cứ vào triệu chứng, khám xét cơ thể và chụp quang tuyến X.


Viêm khớp khó mà lành hẳn nhưng sau một năm, chứng đau nhức thường giảm bớt. Sự thoái hóa làm mòn hết sụn, hai đầu xương tiếp tục cọ xát vào nhau trở nên nhẵn bóng như ngà.

Điều trị
Cho tới nay, chưa có dược phẩm hay phương thức nào có thể phục hồi tế bào sụn và từ đó chữa dứt viêm xương khớp.


Tuy nhiên áp dụng đúng các phương thức hiện hữu có thể giảm đau và viêm, duy trì chức năng và cử động của khớp, ngăn ngừa khớp biến dạng và nâng cao đời sống. Nhưng điều trị phải tùy theo hiện trạng, nhu cầu mỗi cá nhân.


Ngoài ra người bệnh cần được hương dẫn, tìm hiểu về bệnh, biết rõ căn nguyên, nguy cơ gây bệnh để tránh, biết phải làm gì để bớt đau và thích nghi với khó khăn, khiếm dụng do bệnh gây ra.


1- Vật lý trị liệu
Đây là phương tiện được dùng rất nhiều hiện nay vì có công hiệu khá cao. Nó giúp bệnh nhân phục hồi một số chức năng của bắp thịt và khớp như khả năng co duỗi, sự di động, mềm mại; hướng đẫn cách lựa và sử dụng gậy chống, nạng tựa người( Walker).


2- Vận động

Sự vận động cơ thể làm tăng sự mềm mại của cơ thịt, co vào duỗi ra dễ dàng, khớp cử động nhẹ nhàng, tăng máu lưu thông tới nuôi dưỡng khớp, làm bớt đau, làm tầm cử động rộng hơn. Cần lưu ý là chỉ vận động vừa sức mình; không vận động khi khớp sưng - nóng - đau.


Trước khi tập, có thể đắp nóng để làm thư giãn cơ thịt, làm máu lưu thông tốt, hoặc lạnh trên khớp để làm bớt đau, sưng và viêm đỏ. Đôi khi ta có thể luân phiên với sức lạnh và sức nóng, mỗi thứ chừng dăm phút.

3- Giảm mập béo
Mập béo vẫn được coi như là nguy cơ gây viêm xương khớp. Giảm ký là một cách tốt để làm cơ thể nhẹ nhàng, bớt sức nặng dồn trên khớp nhất là khi ta di chuyển. 
4- Dược phẩm
Các dược phẩm hiện đang dùng để chữa viêm xương khớp không làm thay đổi diễn tiến bệnh cũng như ngăn ngừa sự thoái hóa khớp.Dược phẩm được dùng với mục đích chính là để làm giảm đau, chống viêm sưng và khi cần nên uống loại nhẹ nhất trước.


Thuốc acetaminophen (Tylenol) được coi như là thuốc căn bản, uống với phân lượng cao tới 4 gr một ngày. Thuốc này dùng nhiều có thể ảnh hưởng tới gan nhất là khi người bệnh uống rượu, hoặc đưa đến thận suy. Rồi đến Aspirin. Nếu hai thuốc trên không công hiệu, có thể dùng thuốc chống viêm không steroid NSAID như ibuprofen, naproxen hoặc các dược phẩm mới như Celebrex, Daypro. Nên lưu ý là thuốc NSAID có thể gây xuất huyết bao tử.


Thuốc có chất á phiện chỉ nên dùng ngắn hạn khi cơn đau dữ dội không chịu nổi hoặc làm mất ngủ.


Có nhiều loại thuốc bôi làm dịu đau như kem bôi capsaicin , methyl salicylate mỗi ngày thoa đều trên khớp đau ba bốn lần.


Các thuốc chống đau đều có nhiều tác dụng phụ, không tốt chẳng hạn thuốc nhóm NSAID gây xuất huyết bao tử. Vì vậy trước khi dùng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình.


Ngoài ra chích thuốc (Corticosteroids, Hyaluroran) vào khớp cũng giúp giảm cơn đau nhức một phần nào.


Trường hợp nặng có thể giải phẫu thay khớp.


5- Dinh Dưỡng với Viêm Xương Khớp
Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia đã nghĩ ra và đề nghị áp dụng dinh dưỡng trong việc chữa bệnh Viêm Xương Khớp. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định là một chế độ ăn uống hoặc một món thực phẩm nào đó có thể trị được bệnh viêm khớp này.

Có một số ý kiến cho rằng nếu ta ăn vài trăm gram cá mỗi ngày thì có thể giảm cứng khớp mỗi sáng khi thức dậy.

Bác sĩ Joel M.Kremer của Đại Học Y Khoa Nữu Ước cho hay, uống dầu cá viên trong hai tuần lễ có thể làm giảm sưng và đau của viêm khớp. Ta nhớ là cá có loại chất béo Omega-3 fatty acid.


Có người cũng đã thử nghiệm và thấy cà chua, broccoli cũng làm bớt đau viêm khớp.

Trên thị trường, có vài chất được giới thiệu là làm thuyên giảm triệu chứng của viêm khớp. Đó là:

*Chất Glucosamine:
Glucosamine sulfate là chất được lấy ra từ vỏ sò, vỏ cua và được bán dưới dạng thuốc viên. Theo nhà sản xuất, mỗi ngày uống 1500mg chia ra làm ba lần. Thuốc chỉ gây ra một chút khó chịu cho bao tử. Nhiều nghiên cứu cho hay, phải uống cả tháng mới thấy có công hiệu.


Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho hay, Glucosamine có tính chất chống viêm và kích thích sản xuất sụn.


*Chất Chondroitin:
Đây là chất được lấy ra từ sụn cá mập và bò và có dưới dạng viên hoặc con nhộng. Cũng như Glucosamine, món thuốc này được giới thiệu có khả năng chống viêm và tạo sụn. Một số nghiên cứu khoa học cho hay, chondroitin có tác dụng tốt hơn thuốc vờ placebo và ít gây ra tác dụng phụ.


Mỗi ngày phải uống khoảng 1200 mg, chia ra làm ba lần và phải uống khoảng bốn tuần lễ mới thấy công hiệu.


Hai chất vừa kể đã được Thú Y Sĩ dùng từ nhiều năm để chữa viêm khớp của chó, còn bên Âu Châu như là chất bổ sung chữa trị Viêm Xương Khớp. Tại Hoa Kỳ hai chất được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung.


Chưa có nghiên cứu khoa học để xác nhận vai trò trị bệnh của chúng.


*SAMe:
Đây là viết tắt của S-Adenosylmethionin e, là một hợp chất thiên nhiên trong mọi tế bào còn sống và được sản xuất bằng cách nuôi tế bào các loại men, nấm.

SAMe đã được bán theo toa bác sĩ ở Âu Châu từ năm 1975 để chữa viêm khớp và trầm cảm. Món thuốc này khá đắt và phải dùng từ 400mg tới 1200mg mỗi ngày. Tác dụng phụ là khó chịu tiêu hóa, như là tiêu chẩy.

*Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều người thì Gừng, khoáng Borom, chất DMSO Dimethyl Sulfoxide từ quả Gỗ Cơm (pulp) cũng có công dụng ngăn ngừa viêm của xương khớp.

Kết luận.

Viêm xương khớp kinh niên đưa tới nhiều trở ngại, khó khăn cho người bệnh. Ngoài thuốc men và các phương thức trị liệu khác, bệnh nhân cũng nên khéo léo tổ chức trong sinh hoạt hàng ngày để tránh khớp đau nhiều hơn. Chẳng hạn như:

- Khi làm việc, khi ăn, nên ngồi nhiều hơn là đứng.

- Ghế ngồi có chỗ dựa lưng để giảm căng thẳng cho bắp thịt ở lưng.

- Ghế có dựa tay để giúp đứng lên ngồi xuống dễ dàng.

- Mở hộp thức ăn với dụng cụ thay vì dùng sức mạnh của bàn tay.

- Đừng cầm vật gì nặng quá lâu.

-Nên thường xuyên co duỗi các khớp xương, vươn vai để cột sống khỏi cứng nhắc.

- Cần nâng một vật nặng, nên xử dụng cả hai tay thay vì một tay và chịu sức nặng vào hai chân chứ không vào xương sống lưng.


Làm được như vậy là ta đã một phần nào tránh được sự mất khả năng di động. Mà không tự di động là một trong những nguyên nhân đưa tới lệ thuộc vào người khác của tuổi già cũng như của bệnh Viêm Xương Khớp trầm trọng.

Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate

Bài đăng Phổ biến