Lợi ích và tác hại của việc sử dụng aspirin
USPSTF xác định có đủ bằng chứng về việc sử dụng aspirin giúp làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở người trưởng thành tuổi từ 50 đến 69 có nguy cơ cao. Mức độ lợi ích thay đổi theo tuổi và nguy cơ bênh tim mạch 10-năm.
USPSTF cũng xác định có đủ bằng chứng về việc sử dụng aspirin giúp làm giảm tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở người trưởng thành sau 5 đến 10 năm dùng thuốc.
Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng cho thấy việc sử dụng aspirin làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở người trưởng thành có nguy cơ cao và dưới 50 tuổi hoặc trên 69 tuổi.
Về mặt tác hại, USPSTF xác định có đủ bằng chứng rằng việc sử dụng aspirin ở người trưởng thành làm tăng nguy cơ chảy máu tiêu hóa và đột quỵ do xuất huyết. Tác hại này là biến đổi nhưng ở mức độ nhỏ ở người trưởng thành tuổi từ 59 trở xuống, và ở mức độ nhỏ đến trung bình ở người trưởng thành tuổi từ 60 đến 69. Chưa có đủ bằng chứng để xác định tác hại của việc sử dụng aspirin ở người trưởng thành từ 70 tuổi trở lên.
Các khuyến cáo chính
1. Người trưởng thành tuổi từ 50-59 với nguy cơ 10-năm (10-year risk) ≥10% mắc các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc tử vong do bệnh mạch vành) có thể sử dụng aspirin liều thấp (81 mg) để dự phòng. (Khuyến cáo mức độ B)
2. Người trưởng thành tuổi từ 60-69 với nguy cơ 10-năm ≥10% mắc các bệnh tim mạch cũng có thể được khởi đầu aspirin liều thấp để dự phòng. (Khuyến cáo mức độ C)
3. Thiếu các bằng chứng để khuyến cáo khởi đầu aspirin ở bệnh nhân <50 hoặc ≥70 tuổi.
4. Với bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên đang sử dụng aspirin, bác sĩ nên thảo luận với bệnh nhân về việc có nên tiếp tục điều trị hay không, dựa trên đánh giá về lợi ích và nguy cơ.
5. Do nguy cơ chảy máu có liên quan đến việc sử dụng aspirin (1), bệnh nhân với tiền sử loét đường tiêu hóa, đau vùng thượng vị, rối loạn chảy máu, suy thận, bệnh gan nặng, và giảm tiểu cầu là không thích hợp cho việc sử dụng aspirin để dự phòng tiên phát.
6. Bệnh nhân nên duy trì điều trị aspirin hằng ngày trong 5-10 năm bởi cần khoảng thời gian dài như vậy để nhận ra lợi ích dự phòng ung thư đại trực tràng.
7. Cả dạng aspirin tan trong ruột (enteric formulations) và dạng aspirin bao lớp trung hòa acid dịch vị (buffered aspirin) (2) đều không có bằng chứng cho thấy làm giảm nguy cơ chảy máu tiêu hóa nặng.
Bảng tổng hợp các khuyến cáo theo từng nhóm bệnh nhân
Ghi chú:
(1) Yếu tố nguy cơ cho chảy máu tiêu hóa do sử dụng aspirin bao gồm: liều cao và khoảng thời gian sử dụng kéo dài, tiền sử loét tiêu hóa hoặc đau vùng thượng vị, rối loạn chảy máu, suy thận, bệnh gan nặng, và rối loạn giảm tiểu cầu. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ chảy máu tiêu hóa hoặc xuất huyết nội sọ do sử dụng aspirin liều thấp bao gồm: sử dụng đồng thời thuốc chống đông hoặc các NSAID, tăng huyết áp chưa được kiểm soát, nam giới, và tuổi cao.
(2) Dạng aspirin bao lớp trung hòa acid dịch vị (buffered aspirin) là dạng phối hợp của aspirin và một antacid (như calci carbonate, nhôm hydroxide, hay magie oxide). Các antacid giúp làm giảm chứng ợ nóng và rối loạn tiêu hóa do aspirin gây ra.
Tham khảo toàn văn khuyến cáo:
Bibbins-Domingo K on behalf of the U.S. Preventive Services Task Force. Aspirin use for the primary prevention of cardiovascular disease and colorectal cancer: U.S. Preventive Services Task Force recommendation statement. Ann Intern Med 2016;164(12):836-845. doi:10.7326/M16-0577
DS. Phạm Công Khanh
(Nguồn hcpa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét