Vào những năm 70s thế kỷ trước, nghẹt đường thở do dị vật là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 ở Mỹ, mỗi năm lấy đi 4000 sinh mạng. Trăn trở với bản tin đó, vào năm 1972 BS Heimlich đã nghĩ ra một phương pháp đơn giản đến độ ai được chỉ dẫn qua một lần cũng có thể làm được và có thể giúp cho nạn nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Biện pháp này khá đơn giản với hai động tác căn bản là ôm chặt nạn nhân từ phía sau theo kiểu gấu siết (bear hug) và ép nhanh và mạnh vào bụng (abdominal thrust), nhằm làm gia tăng áp suất đẩy ra của phổi để tống dị vật ra ngoài. Sự liên tưởng đơn giản như là bạn bóp vào một vỏ chai nhựa (phổi) bị nút lại bởi một nút xốp (dị vật). Khi bóp vỏ chai nhựa một cách mạnh và đột ngột tạo áp suất gia tăng mạnh và có thể đẩy văng nút ra ngoài. Ông đã cùng cộng sự làm thực nghiệm nhiều lần trên chó trước khi công bố và sau này được công nhận rộng rãi để sử dụng trong cấp cứu.
Một điều thú vị, mặc dù là cha đẻ của thủ thuật này đã hơn 40 năm nay, nhưng ông chưa bao giờ có dịp sử dụng nó để cấp cứu ai cả. Chỉ mới 7 tháng trước ngày từ giã cõi tạm, ông mới mới áp dụng nó lần đầu tiên. Vào ngày 27 tháng Năm, 2016, trong lúc đang ăn trong nhà ăn của nhà dưỡng lão thành phố, ông phát hiện một bạn già 87 tuổi bị nghẹt thở lúc đang ăn bánh mì kẹp. Sau ba lần lặp lại, miếng thịt văng ra khỏi miệng nạn nhân, bà lão bắt đầu thở và nét mặt tươi nhuận trở lại. Bà Ris, nạn nhân được chính cha đẻ của phương pháp này cứu sống là cư dân mới của nhà dưỡng lão, tình cờ đến ngồi cạnh BS Heimlich đã viết lời cám ơn ông: “Ơn Chúa đã đặt tôi ngồi cạnh ngài, BS Heimlich, nếu không tôi đã ra đi”.
Tốt nghiệp đại học Y khoa vào những năm 40s của thế kỷ trước tại ĐH Cornell, và làm nội trú ở BV Thành phố Boston. Sau tốt nghiệp, ông được điều ra chiến trường tây bắc Trung quốc trong thời kỳ đệ nhị Thế chiến. Năm 1952 ông trở thành bs phẫu thuật ở New York rồi sau đó về công tác ở BV Người Do Thái và BV Deaconess ở Cincinnati đồng thời ông làm nghiên cứu ở viện mang tên ông.
Ngoài phương pháp cấp cứu nghẹt đường thở khẩn cấp này, Heimlich cũng công bố một số phát kiến có ích khác như thiết bị mở rộng phạm vị phẫu trường trong phẫu thuật lồng ngực áp dụng rộng rãi trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, hệ thống dẫn lưu màng phổi bằng valve một chiều (valve Heimlich), phương thức điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phương pháp giúp người bệnh bị đột quỵ có thể dễ nuốt. Ngoài ra ông còn có một đề xuất gây nhiều tranh cãi là chích ký sinh trùng sốt rét vào trong cơ thể người bệnh HIV để kích thích cơ thể bệnh nhân sản xuất kháng thể đề kháng virus này. Nhưng đối với BS Heimlich, ý tưởng kỳ dị và gặp sự phản kháng kịch liệt chẳng có gì mới và lạ. Ông cho rằng “Tôi sẽ luôn là người đi tiên phong trong việc đề xuất các ý tưởng gây tranh cãi và đôi khi phi kinh điển. Thế nhưng tôi luôn tin tưởng rằng tôi đúng, và những điều đó sẽ được áp dụng trong tương lai”.
Ngay cả phương pháp cấp cứu mang tên ông, để trở nên nổi tiếng và trở thành kinh điển y khoa thì cuộc chiến giành lấy vinh quang của ông cũng khá thú vị. Đây có thể coi là một trường hợp thành công điển hình của phương thức tự quảng cáo.
Khi lần đầu tiên xuất bản trên Tập san Cấp cứu Y khoa với một tiêu đề khá dân dã “Pop Goes The Café Coronary” (Thổi văng Chứng ngạt thức ăn), phương pháp của ông gặp nhiều sự phản kháng. Ông bèn in bài viết của mình ra nhiều bản đi gửi các nhật báo địa phương. Chỉ mấy ngày sau đó, một người dân đã cứu được người bạn hàng xóm sau khi đọc phương pháp của ông đăng trên một tờ báo lá cải. Ngoạn mục hơn, một cậu bé 5 tuổi ở Massachusetts đã cứu sống được bạn mình bằng phương pháp này sau khi thị phạm trên một chương trình tivi, làm cho tiếng tăm BS Heimlich nổi như cồn.
Tự quảng cáo để nối tiếng trong ngành Y có thể được coi là một hình thức tự mãn, nhưng với bằng chứng cứu sống người một cách hiển nhiên và ngày càng nhiều, tiếng tăm ông càng nổi lên thì các lời phản kháng dèm pha dần lắng xuống. Dẫu sao phương pháp cấp cứu nghẹt đường thở do dị vật của Heimlich cũng cần có thay đổi, đặc biệt ở trẻ em.
Từ khi phương pháp cấp cứu đơn giản này ra đời, không biết bao nhiêu nạn nhân từ những nhân vật nổi tiếng đến thường dân được cứu sống. Trong số đó cần phải nhắc đến cựu Tổng thống Mỹ Ronald Regan trong giai đoạn đang diễn ra chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1976. Các nhân vật nổi tiếng khác như Ed Kock, cựu thị trưởng thành phố New York, John Chancellor người dẫn truyền hình; các diễn viên Elizabeth Taylor, Godie Hawn, Walter Matthau, Carrie Fisher, Dick Vitale hay như ca sĩ nổi tiếng Cher. Năm 2015, thêm một cậu bé 13 tuổi đã trở thành vị cứu tinh khi thành công nghiệm pháp Heimlich để loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở của bạn mình.
Viện nghiên cứu Heimlich đã công bố số nạn nhân được cứu sống lưu trữ trong dữ liệu của viện là 50 nghìn người, ngoài ra theo các số liệu khác công bố, hàng năm ở Mỹ có đến hàng nghìn nạn nhân khác cũng được cứu mạng bằng phương pháp này.
Nói đến đây, bỗng nhớ đến một sự kiện đau xót đối với một nhân tài Việt Nam, giáo sư Nông học Lương Định Của. Ông đã được cho là qua đời vì bị chết ngạt do sặc phải hạt đậu phộng. Nhưng theo thông tin hành lang thì cái chết của ông rất vô duyên và không đáng để xảy ra vì sự thiếu nghiệp vụ cũng như hệ thống chăm sóc y tế theo tuyến lạ lùng. Khi ông được người nhà đưa đến viện cấp cứu, lẽ ra các biện pháp sơ cứu ban đầu phải được thực hiện và may ra ông được cứu sống, nhưng do vì ông là cán bộ cao cấp nên phải chuyển đúng tuyến điều trị. Ông được cho là đã chết trên đường chuyển từ bệnh viện ban đầu đến bệnh viện Việt-Xô là bệnh viện đúng tuyến điều trị cho vị trí cao cấp như ông.
BS Heimlich giã từ cõi tạm ở một tuổi được cho là thượng thượng thọ. Hình hài ông đã thành tàn tro nhưng di sản của ông để lại cho nhân loại dù chỉ là một động tác đơn giản ấy, lại là một tài sản quý giá, một phương tiện cứu cánh cho nhân loại. Sản phẩm tinh thần của ông đã được xứng đáng nhận giải thưởng "Giải thưởng Cống hiến cho Cộng đồng" mang tên Albert Lasker năm 1984, một trong những giải thưởng khoa học cao quý nhất của Mỹ với lời nhận xét ngắn gọn: “Một giải pháp cực kỳ đơn giản, thực tiễn lại không tốn tiền, không đòi hỏi gì nhiều về sức lực, thiết bị đặc biệt hay huấn luyện chuyên sâu nào cả”
https://www.theguardian.com/us-news/2016/dec/17/heimlich-maneuver...
http://www.nytimes.com/2016/12/17/us/dr-henry-j-heimlich...
http://www.abc.net.au/news/2016-05-28/henry-heimlich...
Bs Nguyễn Đình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét