Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bệnh viện

Ngày 15/4/2017, Bệnh viện GTVT Tháp Chàm đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bệnh viện (1977-2017).

Trong không khí vui tươi chào mừng 40 năm thành lập, Bệnh viện GTVT Tháp Chàm hân hạnh được đón tiếp các vị khách quý, các đại biểu đến từ các đơn vị bạn trong ngành y tế, ngành giao thông vận tải, các đơn vị lâu nay đã gắn bó với bệnh viện và đặc biệt là các cán bộ, nhân viên bệnh viện các thế hệ về dự buổi lễ kỷ niệm này. Đặc biệt là sự có mặt của TS.BS Vũ Văn Triển - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Y tế GTVT, lãnh đạo các Bệnh viện GTVT Nha Trang, Bệnh viện GTVT Tp Hồ Chí Minh...
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, để đáp ứng nhu cầu lưu thông đi lại, trao đổi hàng hóa phục vụ công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 1976, hệ thống đường sắt Việt Nam đã hầu hết được khôi phục lại, đặc biệt là tuyến Đường sắt Thống nhất Bắc - Nam. Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt khu vực Thuận Hải, ngày 15/01/1977 Tổng Cục Đường sắt đã có quyết định 110/TC-ĐS thành lập Phân viện Đường sắt Tháp Chàm, trực thuộc Bệnh viện Đường sắt Nha Trang, tỉnh Phú Khánh. Đây thời kỳ khó khăn của đất nước vừa trải qua chiến tranh kéo dài. Tổng số cán bộ, công nhân viên ban đầu chỉ 16 người, trong đó nhân lực chủ yếu được điều động từ y tế các đội đường của đường sắt Thuận Hải và vài y tá được chuyển từ Bệnh viện Đường sắt Nha Trang. Bệnh viện lúc bấy giờ trang thiết bị nghèo nàn, nhân lực thiếu, chưa có hệ thống điện, nước. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe người bệnh, nhân viên y tế, hộ lý phải thay nhau đi gánh nước phục vụ người bệnh. Ban đêm bệnh viện chỉ được chiếu sáng bởi những ngọn đèn dầu le lói.



Năm 1986, Việt Nam vừa trải qua thời kỳ bao cấp, cả nước đang triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI thực hiện công cuộc đổi mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Ngành y tế đường sắt đã tích cực tham gia vào các hoạt động, nhất là phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của ngành trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện quyết định 227/HĐBT ngày 29-12-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp, năm 1988 – 1989, cán bộ, công nhân viên Bệnh viện phải thay nhau nghỉ tự túc lương. Sở Y tế Đường sắt cũng đã cân nhắc đến việc giải thể một số bệnh viện hoặc chuyển xuống phòng khám. Trước yêu cầu phát triển của ngành đường sắt trong khu vực Thuận Hải và tâm huyết của cán bộ, công nhân viên đang công tác tại Bệnh viện Đường sắt Tháp Chàm, lãnh đạo Sở Y tế GTVT đã tăng cường bác sĩ từ Bệnh viện Đường sắt Hà Nội vào, mời gọi các bác sĩ học ra trường về làm việc tại Bệnh viện. Bệnh viện từng bước được ổn định và phát triển chỉ tiêu giường bệnh từ 30 tăng lên 35 gường.

Ngày 22 tháng 4 năm 2008, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2008/NĐ-CP chuyển đổi Sở Y tế Giao thông Vận tải thành Cục Y tế Giao thông Vận tải; và theo quyết định 2651/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện GTVT Tháp Chàm. Y tế GTVT bước sang một trang mới. Đuợc sự quan tâm chỉ đạo của Cục Y tế GTVT, với sự nổ lực của cán bộ, viên chức bệnh viện, Bệnh viện GTVT Tháp Chàm từng bước đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng khang trang hơn, có thêm trang thiết bị, máy móc, đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh.

Trải qua 40 năm xây dựng, củng cố và phấn đấu của các thế hệ cán bộ, nhân viên, sau nhiều lần cải tổ và đổi tên, đến nay bệnh viện đã có những bước phát triển đáng kể và đã gây dựng được uy tín trong khu vực. Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm hiện là bệnh viện đa khoa hạng 3 có quy mô 80 giường, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Y tế Giao thông vận tải. Bệnh viện có hai chức năng quan trọng là phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và khám chữa bệnh cho cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Giao thông vận tải khu vực 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng cũng như dân cư trong khu vực.






Mở đầu Lễ kỷ niệm là chương trình được dàn dựng khá công phu do các nhân viên bệnh viện thực hiện

Bệnh viện có 58 cán bộ, nhân viên, với tỷ lệ nhân viên trên giường bệnh là 0,7, trong đó 19% có trình độ từ đại học trở lên. Bệnh viện đã triển khai được nhiều trang thiết bị cận lâm sàng, đáp ứng được đa số nhu cầu khám chữa bệnh, như máy X quang, máy siêu âm doppler màu 4D, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy huyết học tự động, máy xét nghiệm miễn dịch, máy nội soi TMH, máy nội soi dạ dày tá tràng, máy đo chức năng hô hấp... Hàng năm, bệnh viện đã khám và điều trị  trên 45.000 lượt, hơn 25.000 lượt xét nghiệm, hơn 12.000 lượt chẩn đoán hình ảnh… Trong công tác xã hội, bệnh viện cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người, hiến máu nhân đạo hàng năm, cấp suất cơm miễn phí, tham gia các phong trào văn hóa, thể thao của địa phương hoặc ngành tổ chức đạt nhiều giải cao.



Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Vũ Văn Triển đã đánh giá cao nổ lực của cán bộ, nhân viên bệnh viện các thế hệ trong 40 năm qua. Ông cũng tin tưởng rằng với trang thiết bị như hiện nay cùng với sự định hướng đúng đắn của Ban giám đốc, sự đoàn kết và nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên bệnh viện, Bệnh viện GTVT Tháp Chàm sẽ đứng vững trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế tự chủ đối với các đơn vị y tế công, và ngày càng phát triển cả quy mô và chiều sâu. Thừa ủy quyền của Bộ trưởng GTVT, ông Vũ Văn Triển đã trao bức trướng "Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển" của Bộ cho bệnh viện.

TSBS Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT trao bức trướng của Bộ trưởng cho Giám đốc Bệnh viện

Các nhân viên được nhận kỷ niệm chương Vì Sức Khỏe Nhân Dân
Nhân dịp này, thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện, Bs Nguyễn Tôn Kinh Thi, giám đốc Bệnh viện đã gửi lời cám ơn đến các cán bộ, nhân viên bệnh viện các thời kỳ đã góp công góp sức xây dựng bệnh viện, cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo Cục Y tế GTVT, cám ơn sự giúp đỡ tạo điều kiện của Sở Y tế Ninh Thuận, của Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ và động viên của các đơn vị, các tập thể và cá nhân đã dành cho chúng tôi trong suốt 40 năm qua và trong thời gian đến.
Bìa kỷ yếu
Xem ký yếu
Kỷ vật

Hiện nay, theo lộ trình của chính phủ, bệnh viện đang thực hiện tự chi trả lương và các khoản phụ cấp cho nhân viên. Việc mua sắm, duy tu trang thiết bị và phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện phải trông nhờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn ngân sách này khá khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng sau 40 năm dù đã được cải tạo nhưng vẫn tiếp tục xuống cấp. Mặt khác, hiện trạng thiếu nhân lực và thiếu cán bộ có chuyên môn sâu là một bài toán khó cho bệnh viện duy trì hoạt động. Tuy nhiên với sự nổ lực của toàn thể cán bộ viên chức, trong những năm qua, Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm đã hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần cùng cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống. Dù vậy, những nỗ lực và cố gắng đó cần được duy trì và phấn đấu hơn nữa. Mỗi cán bộ, nhân viên Bệnh viện luôn phải ghi nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.  Ý thức được vai trò của mình, cán bộ viên chức bệnh viện luôn nhắc nhở nhau phải cố gắng

Trao dồi năng lực chuyên môn, phấn đấu thành thầy thuốc giỏi
Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là người mẹ hiền.

Để cùng Y tế Việt Nam nói chung và Y tế Giao thông vận tải nói riêng góp sức xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường với những con người khỏe mạnh và thông minh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate

Bài đăng Phổ biến