Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Nan giải vấn đề quản lý chất thải y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh ngành GTVT

Trong quá trình hoạt động, các bệnh viện nói chung và bệnh viện trong ngành GTVT nói riêng đã thải ra môi trường một lượng lớn các chất thải bao gồm chất thải sinh hoạt và chất thải y tế, trong đó rất nhiều các chất thải y tê, nguy hại làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của nhân viên y tế và cộng đồng.

Từ thực tế đáng báo động

Tính trên cả nước, ngành GTVT có 15 cơ sở y tế. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong ngành GTVT hầu hết được xây dựng từ những năm 1970, như Bệnh viện GTVT Trung ương, Bệnh viện GTVT Yên Bái.



Bệnh viện GTVT Vinh, Bệnh viện GTVT Huế, Bệnh viện GTVT Nha Trang, Bệnh viện GTVT Tháp Chàm đều được xây dựng từ năm 1998... Hầu hết các bệnh viện này cơ sở vật chất đều đã xuống cấp nghiêm trọng, quy mô xây dựng nhỏ nên đến nay đã không thể đáp ứng được nhu cầu của cán bộ trong Ngành và nhân dân đến khám chữa bệnh.

Đơn cử như Bệnh viện GTVT Trung ương, Bệnh viện Nam Thăng Long ở ngay tại trung tâm Hà Nội nhưng nhiều diện tích cũng đã xuống cấp khá nghiêm trọng, số diện tích không sử dụng trong tình trạng hư hỏng dột nát vẫn còn rất nhiều, một số phòng đã phải đóng cửa dừng hoạt động; các khu vệ sinh trong các buồng bệnh đều trong tình trạng hư hỏng nặng, nhiều khu không thể sử dụng được; hệ thống nước thải tắc, mất vệ sinh do lâu ngày không được cải tạo sửa chữa, nếu không được khắc phục sẽ trở thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bệnh viện GTVT Hải Phòng hiện hệ thống xử lý rác thải y tế cũng hư hỏng, không đảm bảo điều kiện hoạt động cần phải được đầu tư nâng cấp. Bệnh viện GTVT Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế rắn: chi phí đắt, phải vận chuyển rác thải y tế lây nhiễm bằng xe máy do không có phương tiện vận chuyển chuyên dùng nên gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm đối với nhân viên vận chuyển chất thải y tế rắn của Bệnh viện. Năm 2008, Bệnh viện GTVT Yên Bái còn bị xếp vào Danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Yên Bái...

Đây chỉ là những ví dụ điển hình, nhìn chung cơ sở vật chất của các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh GTVT xuống cấp thiếu thốn khiến việc vận chuyển, thu gom xử lý chất thải bệnh viện trong ngành GTVT chưa đạt tiêu chuẩn. Hiện tại đa số các bệnh viện GTVT đều thuê các công ty môi trường địa phương xử lý chất thải rắn y tế tại các lò đốt tập trung tại địa phương với giá trung bình 10.000 - 11.000 đồng/kg chất thải y tế lây nhiễm.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý môi trường, y tế ngành GTVT không có cơ quan chuyên trách mà được giao cho Phòng Nghiệp vụ Y, Dược và Trang thiết bị y tế chịu trách nhiệm theo dõi và hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trong Ngành thực hiện các quy định về xử lý chất thải bệnh viện và chống nhiễm khuẩn bệnh viện do đó kết quả cũng còn nhiều hạn chế.

Giải pháp nào để quản lý hiệu quả chất thải y tế?

Theo các điều tra cho thấy, đội ngũ thầy thuốc, y tá điều dưỡng, nhân viên vệ sinh, người bệnh, nhân viên thu gom vận chuyển và tiêu huỷ chất thải y tế, người thu gom tái chế rác, người dân sống xung quanh bệnh viện, bãi rác... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Từ những tác động tiêu cực của chất thải y tế, mục tiêu cho các nhà quản lý là phải làm sao để giảm thiểu ảnh hưởng nguy hại của chất thải y tế đối với sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Trước hết, các cơ sở y tế trong Ngành cần biến các chất thải thành những dạng không nguy hại qua các phương pháp xử lý; Cô lập chất thải để con người không phải phơi nhiễm với chất thải; Cô lập chất thải tránh hiện tượng phát tán vào môi trường.

Bên cạnh đó, chất thải y tế cần được xử lý và tiêu hủy bằng cách thiêu đốt chất thải rắn y tế nguy hại đúng quy cách, có xử lý chất độc hại từ nguồn khí phát thải, chôn lấp chất thải hợp vệ sinh, dùng máy nghiền nát chất thải, trộn thêm nước vôi, xi măng. Sau đó, nếu khô có thể lưu giữ hay chôn lấp hoặc thải vào hệ thống thải của thành phố.

Đối với chất thải y tế dạng lỏng khi xử lý phải đảm bảo thoả mãn tiêu chuẩn môi trường. Nước thải chuyên môn và nước từ bể phốt phải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Thu gom chất thải lỏng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xử lý chất thải lỏng y tế và trong quá trình xử lý phải lựa chọn các phương pháp phù hợp như sinh học, hoá học, cơ học hoặc phối hợp các phương pháp...

Tuy nhiên, để có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, các cơ sở y tế GTVT không thể tự mình “giải quyết” được tận gốc vấn đề bởi những rào cản về chính sách cũng như kinh phí để đầu tư, mua sắm thiết bị... Do vậy rất cần đến sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các địa phương nơi đơn vị “đóng quân” đồng tâm hiệp lực. Đặc biệt, cần được cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết đầu tư, xử lý cho phù hợp.

Thu Hằng - Lâm Anh
Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate

Bài đăng Phổ biến