Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

10 sự kiện y học thế giới nổi bật năm 2011 do Tạp chí Time bình chọn

1. Nhân bản tạo ra tế bào gốc ở người

Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma ( somatic cell nuclear transfer - SCNT) - giống với kỹ thuật tạo ra cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản từ một tế bào da của cừu - lên các tế bào của con người. Kỹ thuật SCNT bao gồm việc thay thế các vật liệu di truyền của một quả trứng bằng vật liệu di truyền lấy từ một tế bào trưởng thành (ví dụ là tế bào da). Trứng sau khi được thay nhân sẽ được kích thích để phân chia và nếu nó phát triển hoàn chỉnh, sẽ tạo ra một tế bào với bộ gene hoàn toàn giống với con vật chủ mà người ta đã lấy tế bào trưởng thành từ nó để nghiên cứu.


Trong nghiên cứu mới nhất được công bố hồi tháng 10 năm nay, các nhà khoa học ở Quỹ Tế bào gốc New York đã thay đổi công nghệ này và kết hợp ADN từ một tế bào người trưởng thành với vật liệu di truyền của trứng, thay vì việc thay thế hoàn toàn nó. Kết quả là kỹ thuật này đã giúp tạo ra một loại tế bào gốc của con người, tuy nhiên nó vẫn mang một cặp nhiễm sắc thể của trứng. Các nhà khoa học đang hy vọng sẽ tìm ra cách khiến cặp nhiễm sắc thể này không hoạt động để đảm bảo có thể sản xuất một tế bào gốc của con người hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm, thông qua kỹ thuật mới. Kỹ thuật này mang tới nhiều tiềm năng hứa hẹn có thể giúp chữa trị các căn bệnh nan y như tổn thương cột sống và bệnh Parkinson, trong khi không cần tới việc lấy tế bào gốc từ phôi thai con người, một hành động được cho là vi phạm đạo đức.

 2. Vắc xin phòng chống bệnh sốt rét

Các nhà khoa học hợp tác với Công ty Glaxo-SmithKline Biologicals, đã lần đầu cho ra đời loại vắc xin chống bệnh sốt rét mang tên PATH Malaria Vaccine Initiative và thử nghiệm trên 11 địa điểm khác nhau tại châu Phi đã cho thấy tỷ lệ bảo vệ hiệu quả trẻ em từ 5-17 tháng tuổi với bệnh sốt rét đã lên tới 56%. Vắc xin cũng đạt tỷ lệ ngăn chặn bệnh lên tới 47% với một số trường hợp sốt rét đặc biệt. Hiện việc thử nghiệm vẫn tiếp tục tiến hành trên 15.460 trẻ em và khi hoàn tất vào năm 2014 sẽ cho ra đời một loại vắc xin hết sức hứa hẹn.

3. Thuốc giúp ngăn chặn HIV


Lâu nay, người ta vẫn sử dụng một hỗn hợp thuốc kháng virus (ARV) có thể giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khoẻ mạnh trong một thời gian dài. Tuy nhiên việc nghiên cứu những lại thuốc này cho thấy chúng có thể giúp những người chưa nhiễm HIV khó nhiễm bệnh hơn. Năm nay, hai nghiên cứu quan trọng từ Đại học Washington và Trung tâm kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tiến hành đã cho thấy những người chưa nhiễm HIV khó có khả năng nhiễm bệnh hơn nếu họ dùng loại thuốc ARV mang tên Truvada mỗi ngày.

4. Thay đổi quan trọng trong Tháp dinh dưỡng


Cứ sau mỗi 5 năm, Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế - Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ lại cập nhật Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ (DGA). Bản cập nhật năm nay, được công bố hồi tháng 1, đã kêu gọi người dân ăn ít hơn và khuyến cáo họ nên giảm lượng đường, chất béo và muối trong bữa ăn. Tới tháng 6, một bản đồ thực phẩm mới đã xuất hiện dựa trên các khuyến cáo của DGA và thay vì hình tháp như truyền thống, nó đã chuyển thành hình đĩa. Khoảng một nửa số thực phẩm trong cái đĩa này gồm rau quả, ngũ cốc và chỉ một phần nhỏ gồm thịt và sữa. Giới chức y tế hy vọng chiếc “đĩa” thực phẩm này sẽ giúp người dân lựa chọn thực phẩm theo hướng có lợi hơn cho sức khoẻ của họ, điều mà mô hình tháp đã không làm được.

5. Nuôi cấy nội tạng người trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Anthony Atala, giám đốc Viện nghiên cứu Thuốc tái sinh Wake Forest, Mỹ, đã lần đầu tạo ra một ống niệu đạo của con người trong phòng thí nghiệm. Ống niệu đạo có trách nhiệm dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể và ở nam giới, ống này có thể bị bệnh tật làm hư hại hoặc thắt hẹp lại. Để tạo một ống niệu đạo mới, Atala đã tạo ra một mô hình của ống này, tiếp đó cấy lên nó những tế bào của bệnh nhân và giúp phần nội tạng nhân tạo này lớn lên trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm ra đời sau đó, khi cấy ghép vào cơ thể, đã hoàn toàn được chấp nhận và bệnh nhân có thể tiếp tục sống mà không cần sử dụng thuốc chống đào thải. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất của liệu pháp này là nó quá đắt đỏ. Được biết Atala đã phải đầu tư tới 5.000 USD chỉ để mua nguyên liệu và trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm của ông. Nhưng liệu pháp chữa trị mới này thực sự rất hứa hẹn, giúp người ta có thể thay thế các nội tạng hỏng bằng những phần cơ thể mới được tái tạo trong phòng thí nghiệm.

6. Mối liên hệ bí hiểm giữa vi khuẩn và bệnh ung thưđại tràng

Hồi tháng 10 năm nay, 2 nhóm nghiên cứu thông báo họ phát hiện một loại vi khuẩn mang tên Fusobacteria, vốn không xuất hiện nhiều trong các k‎‎ý sinh trùng sống ở vùng ruột của chúng ta, nhưng lại tập trung rất đông trong những vùng cơ thể có chứa tế bào ung thư đại tràng. Chúng cũng được xác định có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Đây là lần đầu tiên một vi khuẩn được chứng minh có khả năng gây ung thư cho cơ thể người.


7. Thần dược giúp giảm cân

Trong một nghiên cứu gần đây, Trung tâm nghiên cứu ung thư Anderson ở Mỹ đã cho ra đời loại thuốc mang tên Qnexa, với khả năng giúp bệnh nhân béo phì giảm 10% trọng lượng cơ thể trong một năm. Loại thuốc này là sự kết hợp của hai thuốc đang có trên thị trường hiện nay, gồm thuốc phentermine giảm béo và thuốc chống động kinh topiramate. Ý tưởng của các nhà khoa học là chống lại tình trạng béo phì trên hai cấp độ. Thuốc phentermine, một “họ hàng xa” của ma tu‎ý amphetamines, có thể giúp giảm chứng thèm ăn ở bệnh nhân. Trong khi đó, thuốc topiramate ảnh hưởng mạnh tới khả năng đốt calorie của cơ thể. Các nghiên cứu của trung tâm kể trên cho thấy thuốc đã giúp những con khỉ béo giảm tới 11% trọng lượng cơ thể chỉ trong có một tháng.

8. Chó đánh hơi thấy ung thư phổi

Chó, con vật được mệnh danh là bạn thân của con người, có khả năng trở thành vũ khí mới nhất trong cuộc chiến chống ung thư. Các nhà nghiên cứu ở Đức đã phát hiện rằng những con chó hơn 9 tháng tuổi có khả năng ngửi và phát hiện sự tồn tại của các vi khuẩn ung thư phổi trong hơi thở của con người. Thử nghiệm cho thấy chúng thực nhận diện chính xác 71/100 mẫu thử ung thư và thường chọn ra được các mẫu thử ung thư nằm trong các mẫu thử không chứa bệnh ung thư, với tỷ lệ chính xác lên tới 93% .Các nhà nghiên cứu nói rằng thật tiếc là chó không có khả năng giao tiếp với người để cho biết chúng đã dựa vào đâu để phát hiện ra sự xuất hiện của bệnh ung thư.

9. Nước bọt có thể cho biết tuổi của con người

Hồi tháng 6 năm nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học UCLA, Mỹ, đã tìm ra phương thức xác định độ tuổi của một cơ thể người đã chết, chỉ thông qua việc phân tích mẫu nước bọt. Họ thấy rằng mẫu nước bọt của một người có chứa các yếu tố gene di truyền và những yếu tố này sẽ thay đổi trước các tác động của môi trường bên ngoài như cách ăn uống, sức ép, ánh sáng mặt trời và thậm chí cả chất độc. Tại một khu vực của bộ gene này có chứa một thành phần đóng vai trò như cột mốc đo thời gian, có thể cho biết độ tuổi của nạn nhân với sai số dao động trong khoảng 5 năm.

10. Thiết bị dự báo cái chết

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Uppsala, Thụy Điển thông báo hồi tháng 8 năm nay rằng một thử nghiệm máu thông thường có thể cho biết ai đó có thể chết vì ung thư hoặc bệnh tim. Dựa vào nghiên cứu kéo dài 12 năm, tiến hành trên 2000 bệnh nhân, các nhà khoa học thấy rằng những ai có lượng enzime mang tên cathepsin S cao rất dễ chết hơn những người có lượng enzime này thấp hơn. Loại enzyme này cũng thường xuất hiện nhiều trong cơ thể những người có bệnh tim hoặc chứa khối u. Người béo phì cũng có nhiều enzime cathepsin S, chuyện không có gì ngạc nhiên bởi béo phì là yếu tố quan trọng gây nên các căn bệnh liên quan tới tim mạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Translate

Bài đăng Phổ biến