Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

"Bệnh lạ" ở Quảng Ngãi: vẫn chưa rõ nguyên nhân

Đúng 1 năm sau ngày phát hiện ca “bệnh lạ” đầu tiên ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 20-4, UBND huyện Ba Tơ cho biết đã có 19 trường hợp tử vong (tuy nhiên, ngành y tế Quảng Ngãi xác nhận chỉ có 9 ca; 10 ca còn lại không được tính do bệnh nhân không đưa đi điều trị, tử vong tại nhà!).

Ngày 25/4, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng nhiều chuyên gia y tế khác đã vào Quảng Ngãi để làm việc với lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế Quảng Ngãi về vấn đề bệnh viêm da bàn tay, bàn chân (còn gọi là bệnh lạ) đang bùng phát. Ông Phạm Hồng Phương, giám đốc sở y tế Quảng Ngãi, cho biết 14 trong số 26 mẫu máu được lấy từ các bệnh nhân mắc bệnh ở Quảng Ngãi đã có xét nghiệm dương tính với Rickettsia.

Chiều 25/4, PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương - cho biết thông tin về Rickettsia gây nên bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) là không chính xác. Theo ông, Rickettsia "không phải là căn nguyên của bệnh. Hiện chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào về các vấn đề liên quan đến căn bệnh này".

PGS-TS Trần Hậu Khang thăm hỏi bệnh nhân


Trong đợt công tác này, Bộ Y tế sẽ thiết kế một nghiên cứu dịch tễ và điều tra trên diện rộng về căn nguyên, đường lây, khả năng lây, hướng điều trị của bệnh. Mục tiêu là điều trị và giảm tử vong do căn bệnh này trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng nếu dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế việc khô da ở vùng da viêm và điều trị các vấn đề về gan thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao. Trước đây Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế đã thống nhất tên gọi của căn “bệnh lạ” ở tỉnh Quảng Ngãi là “hội chứng viêm da lòng bàn tay, bàn chân có tăng men gan”. Bây giờ người ta “thống nhất gọi tên bệnh lạ là “hội chứng viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân”.

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, đã bày tỏ lo ngại về bệnh dịch và cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam. Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân và theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng ngừa - Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ giúp đỡ xác định nguyên nhân căn bệnh này. Tuy nhiên đến cuối tháng 4, một giới chức của WHO cho biết họ vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức nào của Bộ Y tế Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Theo Người lao động trong những ngày đầu tháng 5, Làng Rêu đã có thêm 19 người mắc căn bệnh quái ác này. Dù đã được điều trị bằng phác đồ mới của Bộ Y tế nhưng vẫn có những ca chết hoặc tái phát. Nhiều người dân Làng Rêu tỏ ra bất hợp tác với các đoàn y tế vì đã quá mệt mỏi và quen thuộc với cảnh đoàn đến, đoàn đi nhưng tình hình vẫn không có gì sáng sủa.

    Trả lờiXóa
  2. Tuổi Trẻ:
    Sáng 11-5, hơn 70 chuyên gia đầu ngành y tế gồm Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Viện Pasteur TP.HCM, Cục Y tế dự phòng, Viện Dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa, Viện Vệ sinh - y tế công cộng TP.HCM đã tiếp tục truy lùng mầm bệnh tại bốn thôn của xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

    Các chuyên gia tiếp tục về các làng bệnh để đặt bẫy côn trùng tại làng Hy Long để truy tìm các sinh vật ngoại ký sinh như bọ chét, chấy, rận sống trên thân chó, mèo, gà, vịt, heo, trâu, bò... và lấy mẫu phân tích. Một nhóm khác bẫy chuột và mổ lấy mẫu phân tích hàng loạt loài chuột tại khu vực này. Tất cả côn trùng khác như gián, nhện, ruồi, muỗi... đều được giăng bẫy bắt và lấy mẫu phân tích ngay tại chỗ. Một số giường, tủ, mùng, mền, chiếu cũng được các chuyên gia ở đây lùng sục để tìm các loài ký sinh trùng có thể mang mầm bệnh về phân tích. Cũng trong hôm qua tại trạm y tế xã Ba Điền, hàng loạt người dân kéo đến để khám bệnh và xác định có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh mới. Chiều cùng ngày, chính quyền huyện Ba Tơ đã quyết định mua 60 tấn gạo mới cấp cho toàn bộ người dân trong vùng dịch. Ông Lê Hàn Phong quyết định từ ngày 13-5, toàn dân trong vùng dịch sẽ sử dụng gạo mới, loại bỏ toàn bộ gạo cũ trong kho.

    Theo thống kê từ ngành y tế Quảng Ngãi, đến ngày 11-5 đã có 230 người mắc bệnh “lạ”, trong đó có 21 người tử vong. Đặc biệt trong số ca mắc bệnh có đến gần 50% bệnh nhân tái phát (trong số 21 trường hợp tử vong thì có 10 trường hợp tái bệnh dẫn đến diễn biến nặng gây suy đa phủ tạng).

    Trả lờiXóa

Translate

Bài đăng Phổ biến